Hiện nay Đền Bảo Hà nằm ở xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai giáp ranh tỉnh Yên Bái thờ ông Hoàng Bảy, còn được gọi là đền ông Hoàng Bảy.
Đền xây dựng dưới chân đồi Cấm, có quang cảnh thiên nhiên “trên bến dưới thuyền” đẹp đẽ. Phía tả ngạn là dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy. Còn bên hữu ngạn là một hồ rộng, tạo cho nhà đền cảnh đẹp trữ tình. Ngôi đền Bảo Hà được xây dựng vào cuối đời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng), thờ danh tướng Hoàng Bảy họ Nguyễn, có công bảo vệ và xây dựng tổ quốc ở cửa ải Lào Cai. Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Bảo Hà có một vị trí quan trọng phòng thủ biên giới, là cửa trạm của phòng tuyến sông Hồng phía Tây Bắc.
Từ đời nhà Trần đã đặt hai cửa trấn ải là cửa quan Bảo Thắng và Bảo Hà, trong đó Bảo Hà là hậu cứ của Bảo Thắng. Tại đây có đài hoả hiệu, trạm liên lạc thông tin cho các châu huyện phía dưới. Giữa niên hiệu Cảnh Hưng, Bảo Hà là trung tâm Châu Văn Bàn. Trong thời kỳ này, bọn giặc phương Bắc thường hay quấy nhiễu, xã Khấu Bàn, châu Văn Bàn đã phải xây dựng các thành luỹ chống giặc.
Đến cuối đời nhà Lê (1740-1786), các châu Thuỷ Vĩ, Văn Bàn và nhiều nơi khác thuộc phủ Quy Hoá luôn bị giặc cướp phương Bắc tràn sang quấy nhiễu. Trước tình hình giặc giã biên cương quấy đảo, triều đình cử viên tướng thứ bảy họ Nguyễn lên trấn thủ Quy Hoá. Danh tướng họ Nguyễn đưa đội quân tiến dọc sông Thao đánh đuổi bọn giặc cỏ, giải phóng Khảu Bàn và xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây danh tướng đã tổ chức các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sỹ… Sau đó thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hoá (Yên Bái, Lào Cai ngày nay).
Sau đó, quân giặc phương Bắc do tên tướng Tả Tủ Vàng Pẹt đưa quân sang xâm lược bờ cõi, danh tướng Hoàng Bảy lại dẫn quân lên tham chiến. Song, do trận chiến không cân sức, ông đã anh dũng hy sinh. Giặc vứt xác ông xuống sông Hồng, và trôi đến Bảo Hà. Nhân dân trong vùng do ông Lư Văn Cù đứng ra tổ chức vớt xác ông lên chôn cất và lập miếu thờ. Để ghi nhớ công lao của ông, các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị đã tặng ông danh hiệu “Trấn an hiển liệt” và đền thờ ông cũng được các vua triều Nguyễn cấp sắc phong là “Thần Vệ Quốc”. Còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao… thì tôn thờ ông là vị nhân thần. Ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc và hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn tháng giêng.
Có bài thơ Vịnh Bảo Hà của tác giả Trần Huyền Thanh được chép bằng cả chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ.
Thơ rằng:
Hồng Hà sóng nước mênh mang
Bồng bềnh bè nứa thu sang trăng tà
Nước non non nước Bảo Hà
Đức ông Hoàng Bảy đậm đà thề xưa
Tay Tiên chén rượu cuộc cờ
Ngắm Hoàng cúc nở suy tư tình đời.
Đền được xây dựng gồm: cổng tam quan, sân đền, nhà khách, phủ chúa Sơn Trang, Toà đại bái, Cung cấm, Cung nhị, Cung công đồng với diện tích, bài trí các pho tượng khác nhau, kiến trúc đơn giản không cầu kỳ. Trong các cung thờ chính của đền có các pho tượng: Đức Thánh Trần, Đức Vua Cha, Quan Tuần Trang, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Đông quan Bơ phủ, Mẫu Nhị, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thuỷ Tiên, Thiên Phúc Thiên Nhãn.
Có lẽ để đáp ứng nguyện vọng của con nhang, đệ tử, khách thập phương thì Nhà Đền đã thiết đặt Ban thờ Thánh Hoàng Bảy trước cung cấm để mọi người đều có thể dâng lễ và khấn nguyện với Ngài. Một điều nhận xét là những đồ thờ, đồ lễ trong Đền rất đẹp đẽ, hoa lệ.
Đền Bảo Hà có rất nhiều ngày lễ hội, trong đó những ngày lễ chính là: Lễ thượng nguyên (rằm tháng giêng), lễ tiệc quan tuần tranh (25/5 âm lịch), lễ hội ngày giỗ ông Hoàng Bảy (17/7 âm lịch), lễ tết muộn (Tết tất niên).