Rằm tháng 7, Lễ Vu lan: Lễ nghĩa sính…vật chất

Rằm tháng bảy, lại một Lễ Vu Lan nữa lại đến. Đối với người Việt Nam thì đây là một ngày lễ quan trọng bậc nhất trong năm. Vào ngày này, dường như ai cũng ra sức tìm cách báo hiếu với những bậc sinh thành hoặc ra sức thể hiện sự quan tâm đến những người thân đã quá cố. Và, khi cuộc sống vật chất của những người đang sống ngày càng no đủ, sự quan tâm đến người quá cố vì thế cũng tràn đầy… vật chất.

Với quan niệm “trần sao âm vậy” nên cách báo hiếu và quan tâm đến người chết hiện nay cũng rất sinh động. Nếu ai đó đi qua con phố Hàng Mã những ngày này hoặc có dịp đến những ngôi làng làm nghề vàng mã, nhìn những hàng hóa phục vụ cho người cõi âm, hẳn không ít người sẽ phải trầm trồ suy nghĩ: Người chết bây giờ… sướng thật. Cái gì ở thế giới chúng ta đang có cũng đều hiển hiện trên các quầy hàng. Nếu như đám con cháu hiếu đễ chịu khó mua sắm đầy đủ những vật chất phục vụ cho cuộc sống người cõi âm thì các cụ đều sướng tựa các bậc vua chúa hết cả. Thôi thì đủ loại, đủ các phương tiện, từ nhà lầu, xe hơi, ti vi, tủ lạnh, thậm chí cả người hầu, rồi điện thoại 3G công nghệ cao, laptop, thẻ ATM toàn cầu… tất cả sẽ được người sống hóa vàng, gửi xuống cho người thân ở thế giới bên kia.

>> Đôi nét về lễ Vu lan và ngày mở cửa địa ngục

Từ trước đến nay, không ai có thể khẳng định ở thế giới bên kia cũng có một thế giới tồn tại song hành, giống như thế giới chúng ta đang sống. Nhưng những người già và phần đông người theo đạo Phật thì lại tin rằng một thế giới như thế là có thật, vì vậy, không ít người khi còn sống vẫn nhắc nhở đám con cháu quan tâm đến cuộc sống của các cụ sau khi qua đời. Song, một cuộc sống quá no đủ về vật chất mà vơi đi sự thành tâm, nhiệt tình của con cháu thì không phải người già nào cũng mong đợi.

Tôi còn nhớ ngày bà nội tôi còn sống, bà vẫn thường nhắc đám con cháu của bà rằng sau khi chết, vào những ngày lễ, ngày rằm thì nhớ thắp cho bà một nén nhang, rồi gửi cho bà một bộ áo quần, cả một ít tiền, ít thôi, chỉ đủ bà mua gạo, chứ không cần tiền trăm bạc vạn làm gì. Sau này đến mẹ tôi, dù vẫn đang sống sờ sờ nhưng thi thoảng bà vẫn nhắc chúng tôi những lời y như lời của bà nội. Tôi nghĩ, thế hệ những người như bà nội tôi, rồi cả mẹ tôi nữa đã phải trải qua quá nhiều khó khăn, đói kém nên những gì họ quan tâm, mong đợi cũng rất đơn giản: họ chỉ cần cái bụng không bị đói và cái áo không bị rách, chứ nhà lầu, xe hơi hay điện thoại di động, chỉ là những thứ xa xỉ không cần thiết. Thế nhưng, còn có một hàm ý sâu xa mà bà nội tôi và mẹ tôi, dù vẫn đang còn sống muốn nhắc nhở với chúng tôi rằng: Dù báo hiếu là một việc tốt cũng không được quá lãng phí. Với người đã quá cố, phải luôn nhớ tới họ với một lòng thành tâm thực sự. Tôi khẳng định, nếu cứ vào dịp Vu lan báo hiếu, chúng tôi có gửi nhà lầu, xe hơi, điện thoại hay cả núi vàng, núi đô la cho bà nội thì bà vẫn buồn, vẫn tủi, vẫn mắng đám con cháu là một lũ bất hiếu như thường. Bởi, điều bà tôi mong đợi là một thứ khác…

 

Sắm lễ ngập tràn vật chất

Kể ra điều này không phải tôi lên án việc nhiều người bây giờ có điều kiện, bỏ một lúc ra cả triệu tiền thật để mua về những phương tiện và vật dụng cao cấp gửi xuống cho người thân, những mong người thân có một cuộc sống vật chất sung sướng, đủ đầy. Ở đây tôi cũng không nói đến khía cạnh kinh tế, bởi việc bỏ ra vài triệu để có được những phương tiện ấy với nhiều người là một việc quá đơn giản, không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ. Thế nhưng, cũng thật buồn bởi có không ít người, khi người thân còn sống thì hắt hủi, bỏ bê, không cần biết các cụ muốn gì, cần gì. Đến khi người thân qua đời, họ lại quan tâm một cách mù quáng bằng cách mua sắm đủ thứ xa xỉ cho người thân. Lại có những trường hợp mua sắm những tài sản cõi âm đắt tiền theo kiểu “đầu tư”, như một hình thức “hối lộ”. Đổi lại, các cụ sẽ phù hộ phát đạt trong việc kinh doanh hay việc đề đóm, cờ bạc gặp thuận lợi. Tôi nghĩ với những trường hợp này, những người đã quá cố ở thế giới bên kia chắc sẽ òa khóc vì tủi hơn là sung sướng trước những vật chất mà con cháu đã gửi cho mình trong mùa báo hiếu Vu lan.

>> CÁCH CÚNG LỄ VÀ BÀI KHẤN NGÀY RẰM THÁNG 7

>> Siêu xe biển “độc”, biệt thự có sổ đỏ, osin… đắt khách mùa Vu Lan

Việc thờ cúng ông bà là một tín ngưỡng đã có từ lâu ở nước ta. Ngay cả việc đốt vàng mã vào những ngày lễ tết, giỗ chạp cũng là một cử chỉ văn hóa, một nét đẹp truyền thống rất cần được giữ gìn. Thế nhưng, sự thiêng liêng của cõi tâm linh và lòng thành kính của chúng ta ngày một trở nên ồn ào và tốn kém lại là một điều rất không nên làm. Đúng là ngày nay cuộc sống của chúng ta đã no đủ hơn thế hệ của ông bà chúng ta rất nhiều. Đúng là phú quý thì sinh lễ nghĩa, nhưng lễ nghĩa nào cũng cần phải thành tâm và có văn hóa.

>> Những việc nên tránh trong ngày rằm tháng Bảy theo dân gian

Vietimes

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *