Tẩm hoá chất độc hại để có nén nhang đậu tàn

Để tạo ra những nén hương sau khi cháy xong mà vẫn cong, đậu tàn, người ta đã sản xuất hương bằng phương pháp khiến ai nấy phải giật mình: Tẩm chất độc hại vào tăm hương.

Do nắm bắt được tâm lý và thị hiếu của người tiêu dùng về loại hương đậu tàn, nên các “nghệ nhân” làm hương đã nghĩ ra một cách khá “độc”. Họ đã dùng hóa chất rất độc hại để “bắt” hương cong, đậu tàn theo ý muốn.

Đến nay vẫn còn nhiều người có quan niệm rằng, nếu nhà nào có nhiều tàn hương đậu và cong nhiều vòng, thì càng có lộc. Xưa thì cả trăm nén hương may ra chỉ được một nén tàn đậu, nhưng nay thì sự thể đã khác, người dùng muốn bao nhiêu “lộc” cũng có. Và hàng triệu cây hương đậu tàn sinh lộc đã được xuất xưởng bằng một phương pháp rất…kinh hoàng!.

Do nắm bắt được tâm lý và thị hiếu của người tiêu dùng về loại hương đậu tàn, nên các “nghệ nhân” làm hương đã nghĩ ra một cách khá “độc”. Họ dùng hóa chất để “bắt” hương cong, đậu tàn theo ý muốn. Thâm nhập vào các lò sản xuất tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội, chúng tôi được các “nghệ nhân” làm tăm hương “bật mí”: Tẩm một loại hóa chất có tác dụng “chống rụng và làm cong tàn” được mua về từ Hàn Quốc, hoặc Trung Quốc, là sẽ đáp ứng được nhu cầu của bất kỳ khách hàng nào, dù là khó tính nhất. Được biết, tăm hương sản xuất tại xã Quảng Phú Cầu được cung cấp cho nhiều cơ sở sản xuất hương trên cả nước.

Tẩm hóa chất độc hại để có nén nhang đậu tàn cong.

Anh Hùng, chủ một cơ sở sản xuất tăm hương ở thôn Xà Cầu, nói: “Xưa các cụ ta làm hương bằng phương pháp thủ công, “năm thì mười họa” mới thấy một cây hương có tàn cong, quấn thành nhiều vòng. Theo quan niệm thì như vậy là có lộc. Tuy nhiên, với “công nghệ” bây giờ, người ta có thể làm cho hương đậu tàn tùy ý, số lượng bao nhiêu cũng được. Chỉ cần có “bí kíp”.

Cái “bí kíp” mà anh ta nói, khá đơn giản. Chỉ cần ngâm tăm hương vào một loại hóa chất mua từ nước ngoài, sẽ giúp cho cây hương đậu tàn gần như 100%. Anh nói: “Tôi cũng không biết hóa chất đó là chất gì, chỉ biết là khi ngâm với chất này chỉ cần đốt không, tăm tre cũng tự quăn lại”. Cũng theo anh Hùng, mua loại hóa chất này rất dễ, giá không đắt, chưa đến 30.000 đồng là có một can 5 lít, có thể nhúng hàng trăm bó tăm hương.

Chị Tính – chủ cơ sở sản xuất hương xuất khẩu Trung Tính (xã Cầu Lão, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho rằng, do nguyên liệu trầm ngày càng khan hiếm đắt đỏ, nên người ta tìm đủ cách và đủ thứ nguyên liệu khác để thay thế. Ngoài cách thức thông thường, những người làm hương đã tạo hương bằng các vị thuốc bắc, hoặc các hóa chất tạo mùi được nhập từ nước ngoài. Mỗi cơ sở đều cố tạo cho sản phẩm của mình sự khác biệt, cho nên mỗi một nhãn hiệu hương lại có một mùi hương riêng. Theo chị Tính thì giá của các loại hóa chất tạo mùi cũng không hề giống nhau, tùy theo đó là do nước nào sản xuất.

Nếu là hàng Trung Quốc thì giá chỉ từ 25.000 – 120.000 đồng/lọ tùy loại lớn hay nhỏ. Nếu là hóa chất từ Anh, Pháp… thì loại rẻ nhất cũng từ 100.000 đồng trở lên. Mỗi tháng cơ sở của chị có thể xuất xưởng trên dưới 10 nghìn cây hương, chủ yếu xuất sang thị trường Ấn Độ và Thái Lan. Về nhu cầu làm hương đậu tàn, cơ sở của chị cũng làm, nhưng số lượng ít. Chị cho biết: “Tuy chúng tôi có làm hương đậu tàn, nhưng không trực tiếp cho hóa chất. Mà chúng tôi nhập lại tăm hương đã tẩm hóa chất từ một cơ sở khác. Tôi không biết là chất gì, chỉ biết là khi nhỏ xuống nền gạch thì sủi bọt và bốc khói trắng, mùi khó chịu, còn tăm hương khi đốt vào ban đêm thì cháy sáng lóe như đốt phốt pho, ngửi nhiều có hiện tượng ngạt mũi, chóng mặt…”.

Họ đã tẩm hóa chất gì?

Theo chỉ dẫn của chị Tính, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất Long Hòa. Được biết đây là cơ sở sản xuất tăm hương lớn nhất nhì Quảng Phú Cầu, đồng thời kiêm luôn việc cung cấp hóa chất cho những hộ sản xuất khác.

Tại đây, nghi vấn về “tăm hương tẩm độc” càng rõ ràng. Bà Phong có người em trai là chủ cơ sở sản xuất tăm hương Long Hòa – cho biết, cơ sở của chị sản xuất cả hai loại tăm hương: Loại đậu tàn và loại thông thường. Loại thường thì chỉ nhuộm chân bằng các phẩm màu xanh đỏ… Loại đậu tàn thì phải ngâm hóa chất. Theo chị thì đây là loại hóa chất có nguồn gốc từ Trung Quốc. “Hóa chất này rất độc, mùi hắc và khó chịu, nên khi nhúng phải đeo găng cao su, bịt khẩu trang và phải dùng 2 quạt công nghiệp thổi bớt hơi ra ngoài” – chị Phong nói.

Một công nhân trực tiếp nhúng tăm hương vào hóa chất (xin được giấu tên) cho hay: “Loại hóa chất này thường được đựng trong các can nhựa màu xanh, không có nhãn mác tiếng Việt. Mỗi lần ngâm, chúng tôi chỉ cần múc một gáo nhựa loại một lít, pha với mươi, mười lăm lít nước, khuấy đều, cho tăm hương vào ngâm khoảng 3 – 5 phút, sau đó đem phơi. Tất cả số tăm này đều được làm theo đơn đặt hàng của khách”.

Anh H. – một công nhân lâu năm trong nghề làm tăm hương ở Xà Cầu, chia sẻ: “Nghề này cũng gian truân lắm. Suốt ngày tiếp xúc với bụi, và các loại bột hóa chất. Nhiều hôm về đến nhà tôi cảm thấy hoa mắt chóng mặt, họng khô rát. Nếu tiếp xúc bằng tay thì sẽ bị nổi mẩn ngứa, nhiều người còn bị lở loét, vô cùng khó chịu”.

Trao đổi với PV về công nghệ làm tăm hương trên địa bàn, ông Nguyễn Phúc Hựu – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu – cho hay: “Tôi cũng có nghe nói về loại hóa chất này, nhưng cụ thể hóa chất đó là gì thì chúng tôi không nắm được. Vì đó là “bí quyết” riêng của người sản xuất”. Cũng theo ông Hựu thì hiện nay 6 thôn trên địa bàn xã đều sản xuất tăm hương, một số cơ sở sản xuất hương xuất khẩu.

“Chỉ riêng tăm hương, mỗi ngày các cơ sở ở đây đã xuất đi hàng chục xe container. Tuy phát triển như vậy, nhưng hầu như các cơ sở đều manh mún, tự phát và cạnh tranh lẫn nhau. Hiện tại, địa phương vẫn đang tìm phương án thành lập một Hiệp hội riêng của làng nghề, để tiện cho công tác quản lý” – ông Hựu cho biết.

Khi hỏi về thứ hóa chất làm hương, nhiều người am hiểu cho rằng, rất có thể đó là axit phốt-pho-ríc. Tuy nhiên, tiến sĩ ngành Hóa Sinh Lương Bích Thủy (khoa Hóa, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Với những mô tả như vậy, tôi nghi ngờ đó không phải là axit phốt-pho-ríc. Nhưng nếu đó là một loại hóa chất tổng hợp, trong đó có cả phốt pho trắng, khi kết hợp với những hóa chất khác sẽ trở thành những chất cực độc, có thể gây ung thư, thậm chí chết người, nếu tiếp xúc trực tiếp quá lâu”.

Hương được sản xuất theo phương pháp nói trên có độc hại không, nếu có thì độc hại đến mức nào? Thiết nghĩ, sự việc cần được cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc kiểm tra, làm rõ.

Còn theo ông Nguyễn Đức Phương, Phó Giám đốc hương Bồ Đề Tâm, để sản xuất hương đậu tàn theo phương pháp cổ truyền là hoàn toàn có thể được, nhưng sẽ không cong và chắc tàn như dùng hoá chất. nhưng chi phí sẽ đắt gấp 6 lần so với việc sử dụng hóa chất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *