Giáo pháp của Đức Phật để lại cho thế gian là một hệ thống giáo lí vô cùng uyên thâm, rộng lớn. Từ những điều gần gũi, thiết thực, cho đến những triết lí cao siêu, những khái niệm tâm linh huyền bí…Thế nhưng người đời đa số tìm đến Phật không phải để tìm cầu Đạo lí, mà là mong cầu danh vọng, tiền tài, tình duyên, tránh vận rủi… thậm chí là để trừ tà.
Nhiều người, hay nói thật ra là đại đa số người đời coi Phật giống như lá bùa hộ mệnh, và chỉ một mực vái lạy, xin xỏ một cách rất giả dối, chứ chẳng thật tâm kính thờ Phật, chẳng khi nào bận tâm đến Đạo lí Phật dạy. Cứ như thế, hàng bao thế kỉ trôi qua, do vì chẳng tìm hiểu sâu đạo lí, chẳng nghiên cứu kinh điển, nên người đời tạo nên rất nhiều sai lầm, có thể nói là ‘chết người’ trong vấn đề tâm linh, vô tình gây ra rất nhiều tội lỗi, tự mình làm tổn hại phước đức của mình mà không biết. Sau đây là một số điều thường gặp.
1 COI THƯỜNG DI LẶC BỒ TÁT
Trong nhiều kinh điển như ” Kinh Di Lặc Đại Thành Phật”, “Kinh Hoa Nghiêm”… Bồ tát Di Lặc được Đức Thích Ca Mâu Ni Phật thọ kí sau này sẽ trỏ thành vị Phật tiếp theo trên thế gian này. Ngài là vị Đại Bồ Tát chỉ còn một đời là thành Phật, đã viên mãn tất cả các công hạnh, siêu xuất tất cả Pháp giới, thành tựu rốt ráo tất cả trí tuệ, thần thông, Từ – Bi – Hỉ -Xả…là Bậc tối tôn trong Pháp giới bao la này.
Thế nhưng ít người hiểu được điều ấy, nên sản sinh ra một số cách thờ Di Lặc Bồ Tát rất thiếu tôn trọng.
-Phổ biến nhất có thể nói là thờ Di Lặc Bồ Tát chung với Thần tài & Thổ Địa, bàn thờ đặt dưới mặt đất, cao chưa tới hông một người bình thường. Thử hỏi, khi một người đi ngang qua bàn thờ, thì tượng Ngài Di Lặc nhìn tới đâu ?? Nếu là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, có ai dám để như vậy không ?!
Một điều đau lòng nữa là khi khấn vái trước những bàn thờ ấy, đa số mọi người đều không khấn danh hiệu Di Lặc Bồ Tát, mà chỉ khấn với Thổ Địa, Thần Tài, mặc dù nếu hỏi, thì họ đều biết trong bàn thờ còn có tượng Ngài Di Lặc. Có thể nói trong mắt họ không có Ngài Di Lặc. Thật là một điều tổn phước nặng nề.
* Điều nên làm : thờ tượng Di Lặc Bồ Tát trên cao, trang nghiêm như thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, đồng nhau không khác.
-Làm tượng Di Lặc Bồ Tát hai tay đội thoi vàng.
Một người được xem là bậc quân tử, cho dù chưa phải Thánh, cũng đã biết xem nhẹ tiền bạc. Huống chi Di Lặc Bồ Tát là Bậc Thánh Giải Thóat, từ vô lượng kiếp đã lìa bỏ tất cả ham muốn thế gian, sao có thể làm tượng Ngài hai tay đội thoi vàng trên đầu, khác nào nói Di Lặc Bồ Tát tôn thờ tiền bạc sao ? Trong xã hội, những kẻ tham đắm, tôn thờ tiền bạc, trong mắt mọi người đã có ý xem thường, vậy mà người ta làm tượng Di Lặc Bồ Tát đội vàng như thế, khác nào với việc xem thường Bậc Thánh !
* Điều nên làm : tẩy chay, không bao giờ thỉnh mua những tượng “ bất kính” như thế.
>> Siêu xe biển “độc”, biệt thự có sổ đỏ, osin… đắt khách mùa Vu Lan
2 LẠM DỤNG HÌNH PHẬT, TƯỢNG PHẬT BỪA BÃI
Hình Phật, tượng Phật bất kể to nhỏ, đẹp xấu đều phải hết lòng kính thờ, đặt nơi trang nghiêm, người làm được như thế mới thật là có tâm kính Phật. Chẳng thà trong nhà không có hình Phật, tượng Phật, chỉ trong tâm niệm luôn hướng về Phật, nghĩ nhớ đến Phật mới gọi là “ thờ Phật trong tâm”, chứ tuyệt đối không nên dùng tượng Phật , hình Phật vào những việc linh tinh, tạp nhạp của đời thường, đó là phạm tội bất kính Tam Bảo.
– Có rất nhiều hãng sản xuất, vì nhiều lí do đã đem hình Phật – Bồ tát in trên bao bì sản phẩm để câu khách, như nhang đốt (hương ), dầu gió, thuốc xoa bóp .v.v…. sau khi mua về, dùng xong xuôi, người ta vứt cái hình Phật – Bồ Tát in trên bao bì đó vào thùng rác chung với những thứ cặn bã khác, hoặc vứt ra đường cho mọi người dẫm đạp. Như thế thì rõ ràng là tội nhục mạ, trà đạp lên hình Phật – Bồ Tát rồi còn gì ? Cả người sản xuất và người tiêu dùng đều phải chịu trách nhiệm về việc này.
* Điều nên làm:Tẩy chay những sản phẩm như thế, không bán được hàng, các nhà sản xuất sẽ phải thay đổi lại.
Và, nếu bạn nhìn thấy những hình Phật – Bồ Tát bị vứt bỏ như thế, hãy dừng lại và nhặt hình Phật – Bồ Tát đó lên, đem về bỏ trong hộp, đặt nơi trang trọng, hay chí ít cũng phải đem đốt, rồi rải tro ra sông, biển. Như thế bạn tạo được công đức rất lớn mà không hề mất một đồng nào. Phước báo ( nếu không hồi hướng gì hết) của việc này là được địa vị cao, làm bậc tôn quý, nhiều người kính trọng,
– Quan hệ nam nữ, sinh hoạt bừa bãi, nhậu nhẹt, chửi thề, phóng uế, cởi trần, lõa lồ… trước hình hoặc tượng Phật – Bồ Tát.
Chỉ cần suy xét một chút , ai cũng thấy làm như vậy là bất kính với Tam Bảo, thậm chí, làm như vậy trước một người bình thường cũng đã là thất lễ, huống chi trước mặt Thánh.
Nhưng vì không để ý, nên rất, rất nhiều người phạm phải lỗi này. Vì sao ? Vì hình Phật hiện nay, có thể nói là tràn lan, trong nhà người ta treo lịch có hình Phật, dùng móc khóa có hình Phật, dán decal hình Phật lên xe, đeo mặt dây chuyền có hình Phật – Bồ Tát…. nơi đâu cũng có hình Phật như thế, làm sao tránh khỏi sự thất lễ kể trên ? Liệu những người đeo dây chuyền có hình Phật – Bồ Tát, khi đi vệ sinh, hay khi ân ái vợ chồng có biết cởi dây chuyền đặt ra nơi khác không ? Liệu nếu trong phòng có treo tấm lịch hình Phật – Bồ Tát, người ta có vì thế mà không cởi trần, không ăn nhậu, chửi thề… không ? Vì vậy , mọi người nên hiểu hình hoặc tượng Phật – Bồ Tát bất kể lớn nhỏ chỉ nên để những nơi trang trọng, tránh những điều ô uế xâm phạm đến.
* Điều nên làm : không lạm dụng hình Phật – Bồ Tát dùng làm những vật sinh hoạt thường ngày như móc khóa, dây chuyền, decal dán xe… thậm chí dùng làm avatar trên các mạng xã hội cũng không nên.
– Tượng Phật có cô gái lõa lồ ngồi trong lòng .
Tượng Phật kiểu này không phổ biến, ít thấy, nhưng đó là hình thức phỉ báng Phật nặng nề nhất. Không hiểu người ta nghĩ điều gì mà tạo nên tượng Phật như vậy, chỉ cần nhìn qua là mọi người đã thấy rất phản cảm, bất kể là lí giải thế nào. Hiện trên cộng đồng mạng đang ra sức bài trừ những tượng như thế.
3 PHÓNG SINH SAI CÁCH
Phóng sinh là cứu mạng những con vật sắp bị giết, là một việc làm cực thiện, có phước báo rất lớn. Từ ngàn xưa, đệ tử Phật cả xuất gia lẫn tại gia thường đều hay phóng sinh, và thấy rõ được nhiều điều màu nhiệm phát sinh từ đây.
Cuối cùng, phóng sinh trở thành một phong trào phổ biến để cầu phước. Khi đã thành phong trào, người ta phóng sinh là hùa nhau mà làm chứ chẳng hề suy xét, liệu mình phóng sinh như thế, có cứu được mạng chúng sinh hay không , có thật ích lợi cho các con vật đó không ? Vì lẽ đó, nên người ta phóng sinh cả những con vật “ không sắp bị giết “, cuối cùng hại những con vật đó thành ra “ bị giết thật”.
Cụ thể, thường gặp đó là việc phóng sinh chim sẻ tại các cổng chùa… Chim sẻ vốn không thường bị người ta bắt làm thịt, nhưng vì có rất nhiều người thích phóng sinh, mà lại làm biếng ra chợ mua những con vật sắp bị giết thịt như gà, cá, ếch, ba ba…. rồi tìm chỗ an tòan để thả chúng (công đọan này rất vất vả) Thế nên hình thành một dịch vụ là bắt những con chim sẻ vốn đang tự do bay lượn khắp nơi, nhốt vào lồng chờ người ta mua, rồi thả ra như cũ (?! ) Phóng sinh kiểu này rất dễ dàng, thuận tiện, nhìn những con chim được thả ra rất đẹp mắt, nhưng thật chẳng có tí phước nào mà chỉ có thêm tội.
Chính nhờ những người phóng sinh kiểu này nên mới có người đi bẫy chim, nên chim mới bị bắt, bị nhốt, xui xẻo thay nếu không ai mua thì chúng chết dần chết mòn trong lồng chật hẹp.
Sau này, những người bẫy chim phóng sinh có một số cải tiến mới, đó là họ cho chim uống thuốc hoặc tiêm thuốc, sau khi thả chim ra, chúng chỉ bay được là là gần nơi đã thả. Và, họ có thể bắt lại được một cách dễ dàng, tiếp tục bán để phóng sinh.
Nhiều phóng viên đã vào cuộc nghiên cứu hiện trạng này, và phát hiện được sau một mùa lễ lớn như lễ Vu Lan, số chim sẻ chết xung quanh các ngôi chùa là không kể xiết. Chúng chết vì bị đầu độc bằng thuốc, chết vì bị bắt đi , bắt lại nhiều lần. Chết vì có rất nhiều người muốn chúng được “phóng sinh “ ! Những cái chết này ai là chủ mưu, ai là tòng phạm, người bắt chim hay người mua chim, thật khó phân định được .
* Điều nên làm : nếu bạn muốn phóng sinh, trước hết bạn phải đảm bảo ít nhất 3 điều. Một là đảm bảo những con vật kia người ta không bắt để cho bạn mua phóng sinh, mà là để giết thịt, để giam hãm (VD như chim cảnh) Hai là đảm bảo có chỗ để thả chúng được an tòan, phù hợp môi trường, không ảnh hưởng tới người khác. Ba là không có ai theo dõi, để bắt những con vật bạn mới phóng sinh ngay sau khi bạn rời đi.
Nếu như bạn có lòng tốt, khi phóng sinh nên vì chúng mà niệm Phật thật nhiều cho chúng nghe, đọc kinh, quy y …cho chúng sớm thoát kiếp thú, gieo duyên với Phật Pháp , như thế công đức phóng sinh của bạn sẽ hòan mỹ hơn rất nhiều lần.
4 ĐỐT VÀNG MÃ
Từ xa xưa, theo tín ngưỡng của người Trung Quốc, người ta đốt vàng mã để cho người thân đã chết có tiền tiêu, có đồ dùng. Đây là theo quan niệm của người Trung Quốc, không phải của Đạo Phật, vì rõ ràng ở Ấn Độ – xuất xứ Đạo Phật không hề có tệ đốt vàng mã này.
Có rất nhiều điều vô lí trong vấn đề đốt vàng mã này.
Thứ nhất, ở trên trần gian này, có người sản xuất, có hàng hóa nên người ta mới dùng đến tiền để mua. Nhưng dưới cõi âm không có sản xuất,hàng hóa thì người âm dùng tiền để mua cái gì ???
Thứ hai, tất cả những nhà ngoại cảm nhìn thấy được người âm, giao tiếp được với người âm đều chưa bao giờ từng thấy người âm sử dụng những vật dụng mà người dương thế “ đốt gửi xuống” bao giờ, tất cả đều do nghiệp lực quyết định cuộc sống người âm sướng hay khổ, sung túc hay thiếu thốn như thế nào .
Thế nên có rất nhiều vị Cao tăng, Đại đức lên tiếng phản đối việc đốt vàng mã này, nhưng đâu vẫn vào đấy. Người ta cứ đem tiền thật đổi lấy tiền giả, đồ mã để đốt !
Vậy làm như thế có tội gì không ? Xin thưa, ít nhất 2 tội : một là góp phần thúc đẩy phá rừng, đốn gỗ để sản xuất giấy, gây phá hủy môi trường. Hai là gây phí phạm tiền bạc.
* Điều nên làm : Người cõi âm thực sự cần điều gì ? Thực ra, họ không cần vàng mã, mà là cần Phước !
Có khi họ- những người âm biết điều này, nhưng cũng có khi do u mê, mập mờ trong chốn siêu hình, họ cũng chẳng hiểu được là họ cần cái gì, nên có khi họ báo mộng than thở, đòi cái này cái kia, nhưng có đốt gì xuống thì họ vẫn khổ sở, thiếu thốn như cũ. Vì Nghiệp lực bắt buộc họ phải chịu như vậy.
Vì thế, muốn họ được an lành trong thế giới bên kia, ta phải vì họ mà tạo phúc, cầu cho họ siêu thăng lên những cảnh giới cao hơn.
Bằng cách nào ? Có rất nhiều cách, đứng đầu là niệm Phật thật nhiều, tụng kinh như Kinh Địa Tạng, kinh Phổ Môn… để cầu siêu cho họ. Rồi đem tài vật mà người quá cố để lại, hoặc tiền của mình tạo những công đức như đúc tượng Phật, ấn tống, phóng sinh, bố thí.v.v… rồi đem phước đó cầu cho họ được siêu thoát. Như thế, cả người sống lẫn người đã khuất đều được lợi lạc rất nhiều.
Chúc tất cả quý vị đều thành tựu được những chân công đức, tạng công đức thù thắng, vô biên vô lượng !
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !
Nguồn: Sưu tầm