Cuối tuần cùng khám phá ngôi chùa cổ đẹp của Hà Nội

Hà Nội có rất nhiều chùa chiền, đền miếu. Có thể kể ra đây một số ngôi chùa, đền nổi tiếng nào Kim Liên, Một Cột, Liên Phái, Quán Sứ, Thái Cam… Nào đền Quán Thánh, Bích Câu đạo quán, đền Bạch Mã, đền Lý Quốc Sư… Riêng Trấn Quốc vẫn thuộc loại chùa cổ nhất, như đã đắc đạo trên đường tu luyện mà mặt nước Hồ Tây đầy huyền thoại làm chứng quả.

Chùa Trấn Quốc nằm trên bán đảo phía đông của Hồ Tây, nên thuộc đất làng Yên Phụ, nơi có ngôi đình thờ thánh.  Chùa không nhiều bậc đá rêu phong, hay núi non trùng điệp, nhưng thật yên bình cùng sóng nước ngân nga. Chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, trong  Chùa có vườn tháp cổ u tịch, có nhiều tượng Phật giá trị, đặc biệt là tượng Thích Ca nhập Niết Bàn. Chùa là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Theo Từ điển di tích văn hóa Việt Nam, thì chùa Trấn Quốc nguyên là chùa Khai Quốc, dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, 541-547), tại thôn Y Hoa, gần bờ sông Hồng. Đến đời Lê Trung Hưng (1615), chùa được dời vào trong đê Yên Phụ, dựng trên nền cũ cung Thúy Hoa (thời Lý) và điện Hàn Nguyên (thời Trần). Trong các năm 1624, 1628 và 1639,chùa tiếp tục được trùng tu, mở rộng. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính đã soạn bài văn bia dựng ở chùa vào năm 1639 về công việc tôn tạo này. Đầu đời Nguyễn, chùa lại được trùng tu, đúc chuông, đắp tượng. Năm 1821, Vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa. Năm 1842, Vua Thiệu Trị đến thăm chùa, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, cho đổi tên chùa là Trấn Bắc. Nhưng tên chùa Trấn Quốc có từ đời Vua Lê Hy Tông đã được nhân dân quen gọi cho đến ngày nay.

Cũng giống như hầu hết những ngôi chùa khác trên đất nước Việt Nam, chùa Trấn Quốc có nhiều lớp, có nhà bái đường, nhiều tượng Phật từ thấp đến cao, từ to đến nhỏ, vàng son lấp lánh, hương khói quanh năm… Đặc biệt có pho tượng Thích Ca nhập Niết Bàn bằng gỗ thếp vàng lộng lẫy.

Người vào chùa Trấn Quốc, ngoài việc thành tâm lễ Phật còn là để có một chút ngao du ngắn, được thăm một danh lam nổi lên thanh bình giữa phố phường ồn ào, tất bật. Chùa Trấn Quốc có kiến trúc là sự kết hợp hài hoà giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mang. Đây chính là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và thời Trần.
Phía sau chùa có một số mộ tháp cổ từ đời Vĩnh Hựu và Cảnh Hưng (thế kỉ 18). Khuôn viên chùa có Bảo tháp lục độ đài sen được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý.

Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề lớn do Tổng thống Ấn Độ tặng khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959. Thượng toạ Thích Thanh Nhã, Uỷ viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Trấn Quốc, đã giải thích sự đối xứng đó là: “Hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp”.

Chùa Trấn Quốc còn là một trong những ngôi chùa vinh dự được đón nhiều vị khách đặc biệt nhất của lịch sử.

Dưới triều vua Lý Nhân Tông, Thái hậu Ỷ Lan đã nhiều lần đến chùa cùng các vị cao tăng để đàm đạo. Năm Kỷ Mão (1639), chúa Trịnh cho sửa và trồng sen quanh chùa, biến nơi thờ cúng thành hành cung riêng của nhà Chúa. Năm 1821, vua Minh Mạng đến thăm, ban 20 lạng bạc để tu sửa chùa. Năm 1842, vua Thiệu Trị ghé thăm, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan để tu sửa chùa.

Sau này, đến thời kỳ hiện đại, chùa cũng được nhiều chính khách viếng thăm. Ngày 24/3/1959, Tổng thống Ấn Độ Ragiăng Đờ Ra Brusat đến thăm chùa và tặng cây bồ đề lấy ở cây mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi thành đạo cách đây trên 25 thế kỷ trồng trước cửa tòa Tam bảo. Tiếp đó, ngày 28/11/2008, Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil đến thắp hương và thăm quan nhân dịp trong chuyến công du Việt Nam. Ngày 31/10/2010, Tổng thống LB Nga Dmitry Medvedev đến thăm quan trong dịp đến Hà Nội dự Hội nghị cấp cao không thường niên ASEAN – LB Nga lần thứ hai….

Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan, du lịch trong ngoài Việt Nam.

Khánh Chi (TTVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *