Đền mẫu Âu Cơ là nơi thờ Mẹ Âu Cơ được xây dựng từ thời Hậu Lê, nằm trên địa phận xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ ngày nay. Đền có toạ độ: 21°35’54″N 104°55’5″E
Vua Đế Minh phong cho Đế Nghi làm vua ở Phương Bắc, Lộc Tục làm vua ở Phương Nam. Lộc Tục lên ngôi khoảng năm 2879 TCN xưng là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con là Sùng Lãm năm 2793 TCN, xưng là Lạc Long Quân, kết duyên với Âu Cơ là con gái của Đế Lai ở động Lăng Dương (nay là huyện Thanh Thủy, Phú Thọ).
Tục truyền rằng, Âu Cơ trở dạ đã sinh được bọc trăm trứng và nở thành trăm người con trai. Khi các con lớn lên, Lạc Long Quân đã nói với Âu Cơ: Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thuỷ hỏa khó hòa hợp… . Vì thế, hai vị đã chia 50 người con theo mẹ lên núi, 50 người con theo cha xuống biển để lưu truyền được lâu dài, về sau cả trăm người con đó cùng hai vị đều hóa thần.
Trong 50 người con theo mẹ, người con đầu lên nối ngôi vua, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đặt tên nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời vua Hùng, trị vì đất nước trong 2621 năm ( từ năm Nhâm Tuất 2879 TCN đến năm 258 TCN ), trở thành tổ tiên của các tộc người, dòng họ Việt Nam ngày nay.
Mẹ Âu Cơ có lần đã đến vùng đất khi đó là trang Hiền Lương, quận Hạ Hòa, trấn Sơn Tây và cho các con cháu khai hoang, lập ấp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Khi trang ấp ở Hiền Lương đã ổn định, phát triển, Bà Âu Cơ lại cùng các con cháu đi khai phá các vùng đất mới. Sau này, bà đã quyết định trở về sống với Hiền Lương, nơi gắn bó nhất với cả cuộc đời bà. Tương truyền, ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Thìn, Bà Âu Cơ cùng bày tiên nữ đã bay về trời để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa. Sau này, nhân dân trong vùng đã dựng lên một ngôi miếu thờ phụng, đời đời hưong khói tưởng nhớ công ơn của bà đối với toàn dân tộc Việt Nam.
Dưới triều vua Lê Thánh Tông năm 1645, vua đã ra chiếu chỉ phong thần, cấp tiền, xây dựng thành Đền Mẫu Âu Cơ như ngày nay, giao cho nhân dân xã Hiền Lương thờ phụng. Thế kỷ 15, triều đình Hậu Lê đã phong sắc và cho xây dựng đền, thế kỷ 19 nhà Nguyễn một lần nữa lại phong sắc công nhận đền Mẫu Âu Cơ.
Đền Mẫu Âu Cơ là một công trình nghệ thuật kiến trúc có giá trị cao với các kết cấu kiến trúc đền chùa cổ, các pho tượng quý như tượng Âu Cơ, tượng Đức Ông, các bức chạm quý và nhiều cổ vật vô giá. Khu vực đền là một mảnh đất hình chữ nhật có chiều dài khoảng 200m và chiều rộng khoảng 150m với tường cao bao quanh.
Ngày lễ chính của đền Mẫu Âu Cơ là ngày Tiên giáng mùng 7 tháng Giêng. Dân trong vùng từ lâu đã có câu ca lưu truyền: Mùng bảy trong tiết tháng Giêng, Dân Hiền lễ tế trống chiêng vang trời…. Lễ hội có lễ tế Thành Hoàng ở đình, rước kiệu từ đình vào đền, lễ dâng hương và lễ vật gồm 100 bánh ngọt, 100 phẩm oản, hoa quả. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày liên tục từ mùng 7-9 tháng Giêng. Ngoài đền diễn ra các trò chơi dân tộc như đu tiên, cờ người, chọi gà, tổ tôm… Ngày thứ ba là lễ rước kiệu từ đền trở về đình để kết thúc lẽ hội chào mừng Tiên giáng.
Các ngày lễ khác trong năm: ngày 11-12 tháng Hai, ngày 12 tháng Ba, ngày 13 tháng Tám, ngày Tiên thăng 25 tháng Chạp